Cách lấy lòng sếp Nhật chưa bao giờ đơn giản đến vậy
Bạn vẫn cảm thấy bản thân nhạt nhòa trước mặt sếp. Liệu bạn đã làm gì sai? Hay là bạn chỉ chưa biết cách làm mình nổi bật, vì đơn giản là bạn chưa hiểu cách lấy lòng các sếp Nhật?
Bạn là một nhân viên có năng lực. Bạn làm việc với sự nhiệt tình và không quản ngại khó khăn. Bạn có cá tính mạnh mẽ và luôn hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Qua tất cả các điểm cộng trên, bạn mong muốn thể hiện bản thân trước mặt sếp, và được chú ý cất nhắc. Tuy nhiên, sau một thời gian, bạn vẫn cảm thấy bản thân nhạt nhòa trước mặt sếp. Liệu bạn đã làm gì sai? Hay là bạn chỉ chưa biết cách làm mình nổi bật, vì đơn giản là bạn chưa hiểu cách lấy lòng các sếp Nhật?
Để bản thân trở thành thành phần được yêu mến, hay chí ít không trở thành nhân viên nhạt nhòa trong môi trường làm việc đậm chất Nhật Bản vốn đủ các quy tắc và thông lệ, bạn cần:
Xưng hô đúng mực
Ở Nhật Bản, cách xưng hô đúng mực là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giao tiếp hằng ngày. Những từ chỉ danh xưng như -san, -chan, -kun, v.v là những từ thường sử dụng cho những người thân cận xung quanh ta. Tuy nhiên, đối với những người có địa vị rõ ràng như giáo viên, hay trong trường hợp này, trưởng phòng hay giám đốc, bạn cần phải gắn tên của người đó với địa vị. Nếu bạn gọi giám đốc của là -san, họ sẽ nghĩ bạn thiếu lễ độ hoặc không hiểu biết về văn hóa Nhật.
〇 Watanabe buchou, doomo arigatou gozaimasu. (Giám đốc Watanabe, xin cám ơn rất nhiều)
X Watanabe san, doomo arigatou gozaimasu. (Ông Watanabe, xin cám ơn rất nhiều)
Các sếp Nhật có thể gọi nhân viên là -san, tuy nhiên, bạn đừng nghĩ bạn có thể kêu sếp mình như cách họ dùng với bạn. Đừng để sếp đánh giá bạn là người thô lỗ hoặc không có trên dưới chỉ vì cách xưng hô tùy tiện.
Dùng kính ngữ đúng mực, không thái quá
Khi giao tiếp với cấp trên, bạn bắt buộc phải dùng kính ngữ. Kính ngữ dùng để thể hiện thái độ tôn trọng và thứ bậc của công ty. Tuy nhiên, như ta được biết, tiếng Nhật có đến 3 loại kính ngữ. Ta nên dùng thế nào cho phù hợp?
Đối với những sếp lớn, những người có quyền hạn rất cao như chủ tịch hoặc tổng giám đốc, ta nên sử dụng kính ngữ loại 1 hoặc loại 2 – kính ngữ lịch sự và thể hiện sự tôn trọng cao.
Ví dụ: Shachou, dochira e irasshaimasuka. (Chủ tịch, Ngài đi đến đâu ạ?)
Kachou wa kaeri ni narimashita. ( Giám đốc đã về nhà rồi.)
Kính ngữ loại 3 sẽ có mức độ trang trọng vừa phải hơn so với kính ngữ loại 1 và 2, nhưng cũng không phải là kém lịch sự hơn. Đây là loại kính ngữ dùng được cho động từ nhóm 3, do đó, mức độ thể hiện sự tôn kính vẫn tương đương hai nhóm còn lại. Loại 3 thường được dùng cho trưởng phòng hay sếp có chức vụ cao vừa phải.
Ví dụ: Buchou wa yasumi o toraremasuka. (Trưởng phòng xin nghỉ phép rồi à?)
Các câu kính ngữ được sử dụng hằng ngày trong giao tiếp, và mỗi loại đều được sử dụng riêng biệt. Nếu bạn muốn lấy lòng sếp bằng cách ghép cả hai câu kính ngữ loại 1 và 3 hay 2 và 3 lại với nhau để thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối, bạn đã thất bại rồi, vì người Nhật không bao giờ làm như vậy, và điều đó cũng thể hiện sự xu nịnh quá lộ liễu. Đối với sếp, bạn cần chừng mực, lễ phép, cư xử nhã nhặn và đúng mực là đủ.
Hơn nữa, các câu kính ngữ không chỉ được dùng để nói với sếp, mà còn dùng khi nói về sếp nữa. Khi bạn giao tiếp với đồng nghiệp và bạn kể về người sếp của cả hai, bạn cần phải dùng kính ngữ cho câu tường thuật ấy.
Hiểu phong cách làm việc và luôn vâng dạ
Khác với phong cách làm việc phương Tây, các sếp Nhật thường rất ít khi đưa ra những mệnh lệnh hoặc hướng dẫn rõ ràng cho nhân viên. Họ thường cho gợi ý hoặc hướng đi để bạn tự phát triển dự án. Có nhiều trường hợp bạn sẽ không nhận được sự chỉ dẫn nào cả, và phải tự mày mò để hoàn thành công việc. Đừng ngạc nhiên và cố gắng gặn hỏi sếp các chỉ dẫn cụ thể, bởi điều này khiến cả hai bên cùng cảm thấy căng thẳng mà không giải quyết được gì cả.
Và khi bạn nộp dự án của mình cho sếp, sếp sẽ sửa chằng chịt lên đó và yêu cầu bạn làm lại theo ý sếp gần như toàn bộ. Điều này nghe có vẻ khá vô lý, vì ban đầu bạn hoàn toàn không nhận được hướng dẫn gì cả cho công việc này. Tuy nhiên kiểu làm việc này rất phổ biến tại Nhật, bởi nhiều các công ty Nhật vẫn vận hành theo kiểu khá bảo thủ. Sếp bạn sẽ cho rằng bạn là một nhân viên tốt bởi bạn chịu lắng nghe và tiếp thu ý kiến cấp trên. Đừng cố cự cãi hay tỏ thái độ, vì điều này chỉ làm cho sếp mất thiện cảm dành cho bạn. Luôn niềm nở và xin lỗi sếp, sau đó chấp nhận sửa lại dự án của mình. Quy trình này sẽ lặp lại nhiều lần và bạn sẽ phải kiên nhẫn cho tới khi dự án thật sự vừa ý sếp. Do đó, việc kiên trì và nhẫn nhịn sẽ giúp bạn trở thành một nhân viên kiểu mẫu.
Lời kết
Trong xu thế hiện đại, các công ty Nhật khi tiếp nhận lao động ngoại quốc cũng sẽ gồng mình thay đổi và cởi mở hơn trong văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, nếu bạn nắm rõ các quy tắc giao tiếp và làm việc của người Nhật, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống văn phòng “dễ thở” hơn và công việc sẽ được giải quyết mượt mà hơn.
CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC JIS
Văn phòng : Phòng 509 ,tầng 5, Nhà C, Trường Đại học Y tế Công cộng
Số 1A, đường Đức Thắng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 6658.4242 Hotline: 098.8595.3268
Website: http://jis-edu.com Email: nhanlucjis@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/nhanlucJIS.jp/